Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ VHTT&DL, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà phát huy tài năng, năng lực sáng tạo, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đi cùng với việc chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, trân trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật; tôn vinh các văn nghệ sỹ trên cơ sở cống hiến của họ đối với đất nước.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ VHTT&DL phối hợp với các ban, bộ, ngành chức năng để nghiên cứu, đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật đối với các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.
Quá trình xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm nay chia làm hai đợt với 18 tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 tác giả được giải thưởng Nhà nước.
Chuyên ngành Nhiếp ảnh vinh dự có 01 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 04 tác giả được Giải thưởng Nhà nước gồm:
I. Giải thưởng Hồ Chí Minh:
Tác giả Lương Nghĩa Dũng - nguyên phóng viên phòng Thông tấn Quân sự - Thông tấn xã Việt Nam, làm nhiệm vụ tại các chiến trường phía Nam, là Liệt sĩ, hy sinh tại chiến trường Hải Lăng - Quảng Trị năm 1972. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh năm 2006. Trong đợt xét tặng lần này, tác giả đã được 3 cấp Hội đồng thẩm định, nhất trí đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ông trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Các tác phẩm của ông có giá trị tư liệu, lịch sử rất cao, nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật rất xuất sắc.
Có thể nói, tác giả Lương Nghĩa Dũng là một trong những nhà nhiếp ảnh xuất sắc nhất của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Ông đã trực tiếp tham gia các trận đánh như một người lính để ghi lại những hình ảnh chân thực, sinh động nhất về cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Cũng chính vì lý do đó, tác giả đã hy sinh ngay tại mặt trận.
II. Giải thưởng Nhà nước:
1. Tác giả Lâm Tấn Tài (sinh năm 1935, đã mất) - nguyên phóng viên chiến trường miền Nam thuộc Thông tấn xã Giải phóng. Ông đã tham gia tác nghiệp tại nhiều mặt trận như Đường Trường Sơn, Sài Gòn, Chiến dịch Hồ Chí Minh... Các tác phẩm của ông được 3 cấp Hội đồng thẩm định, đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về một giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới... Trong quá trình tác nghiệp tại chiến trường, ông đã bị thương và mất một mắt. Sau khi chữa trị, ông tiếp tục xin ở lại chiến trường làm nhiệm vụ phóng viên ảnh của mình.
Sau hòa bình lập lại, ông tham gia vào các hoạt động của nhiếp ảnh, là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tác giả Hứa Thanh Kiểm (80 tuổi) - là người dân tộc Tày, nguyên phóng viên phòng Thông tấn Quân sự - Thông tấn xã Việt Nam. Ông được Tổng Cục Chính trị - Quân đội Nhân dân Việt Nam cử sang Thông tấn xã tham gia các mũi nhọn trực tiếp tác nghiệp tại các chiến trường.
Cụm tác phẩm lần này được sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chủ đề về “Đường Trường Sơn”, đã được 3 cấp Hội đồng thẩm định, đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về một giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc...
3. Tác giả Mầu Hoàng Thiết (88 tuổi) - nguyên phóng viên nhiếp ảnh báo Tiền Phong. Ông là Việt kiều Thái Lan tự nguyện về nước tham gia các hoạt động báo chí, nhiếp ảnh.
Cụm tác phẩm “Hậu phương thời chiến” của ông được chụp tại miền Bắc thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Các bức ảnh có tính nhân văn rất cao về các hoạt động của nhân dân miền Bắc trong cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, ngay tại những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến đấu. Cụm tác phẩm lần này đã được 3 cấp Hội đồng thẩm định, đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về một giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.
4. Tác giả Nguyễn Hữu Cấy (86 tuổi) - nguyên phóng viên ảnh Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin - thuộc Bộ Văn hóa. Ông hoạt động nhiếp ảnh tại miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.
Cụm tác phẩm của ông về “Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh” có tính tư liệu lịch sử rất cao, ghi lại những hình ảnh xúc động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...), nhân dân Thủ đô và cả nước đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Cụm tác phẩm lần này đã được 3 cấp Hội đồng thẩm định, đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tác dụng giáo dục truyền thống, xây dựng con người mới. Có sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa, nghệ thuật cho đến hiện nay.
Đây là 05 tác giả nhiếp ảnh tiêu biểu tiếp theo trong suốt thời kỳ chiến tranh của dân tộc, xứng đáng được Đảng và Nhà nước xét tặng giải thưởng cao quý về Văn học Nghệ thuật năm 2016.
Tại buổi lễ ngày hôm nay, bên cạnh 03 tác giả trực tiếp đến nhận giải thưởng, còn có thân nhân của 02 tác giả (đã mất) cũng đã đến để nhận trao tặng danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, ghi nhận những đóng góp xứng đáng của các tác giả vào nền Văn học Nghệ thuật nước nhà trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã tổ chức chào mừng và chia vui cùng các tác giả, thân nhân gia đình các tác giả ngay sau buổi lễ.
Dưới đây là một số hình ảnh xúc động trong buổi lễ đón ngày hôm nay. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Nguồn tin: Hoàng Trang - vapa.org.vn
Ý kiến bạn đọc