Trong năm 2016, một thành tựu về ống kính mà Sony đã đạt được, đó chính là kết thúc chuỗi năm tương đối thành công của dòng ống kính G, đồng thời muốn đưa hệ ống kính G sang một chương mới - một nơi mà mỗi ống kính Sony tự sản xuất ra có thể sánh ngang với dây chuyền Sony-Zeiss hay thậm chí cả của nhà sản xuất Zeiss danh tiếng. Để thoát khỏi "cái bóng" của Zeiss bấy lâu nay, Sony cần một sự đột phá, cải tiến lớn về công nghệ và phong cách...
Và rồi thế hệ ống kính G Master xuất hiện. Nhờ vào những công nghệ thấu kính bí mật họ đã ấp ủ bao năm qua, kèm theo khả năng lấy nét siêu thanh - siêu nhanh trên nền tảng SSM (Super Sonic Motor), G Master nói chung và Sony nói riêng cũng đã được "ngồi chung mâm" với các anh tài khác trong hội ống kính cao cấp như L của Canon, N Của Nikon, Art của Sigma,...
Nhưng để sở hữu một ống kính G Master hiện đại như vậy, đồng nghĩa người dùng phải chi trả hầu bao khá cắt cổ: chiếc ống kính rẻ nhất trong dòng này - SEL FE 85mm F1.4 GM có giá niêm yết lên tới 40 triệu đồng tại Việt Nam, và chiếc ống kính được mong chờ nhất - SEL FE 70-200 F2.8 GM OSS với giá tham chiếu trên 60 triệu đồng. Đây là một trở ngại khá lớn với đại đa số người dùng hiện nay bởi với mức giá này, họ hoàn toàn có lý do để chọn sang ống kính Batis 85mm F1.8 hoặc SEL FE 70-200 F4 OSS già nua với giá chỉ trên 20 triệu đồng mà vẫn đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng. Vậy lý do nào khiến những ống kính G Master lại đắt đỏ đến vậy, và tại sao vẫn có 1 số lượng khách hàng dành cho dòng ống kính này?
1. Thiết kế bên ngoài: Nói không với nhựa!
Nhựa ư? Không hẳn... Bởi với Sony vào thời điểm này, nhựa là 1 thứ quá đơn giản, thậm chí bị coi là hơi "nhà quê". Nhựa là một chất liệu dễ sử dụng, dễ hợp thành, bền bỉ, kĩ thuật gia công đơn giản và đặc biệt là phù hợp với mọi điều kiện thời tiết. Chúng ta có thể bắt gặp nhựa ở hầu hết các ống kính cấp thấp cũng như cao cấp của các hãng khác nhau. Nhưng Sony không thích điều đó, vì sao?
Rẻ tiền và không chuyên nghiệp - đó là cái mà Sony muốn nhắc tới. Kim loại là 1 nguyên liệu rất khó để thực hiện các công đoạn "thẩm mỹ" trước khi ghép chúng lại thành 1 sản phẩm. Không những thế, với môi trường không được đảm bảo, kim loại dễ bị bào mòn, rỉ sét ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới thấu kính bên trong. Để giảm thiểu vấn đề này, một lớp sơn từ tính là điều khá dễ dàng và nhiều hãng khác cũng đang sử dụng. Để tăng thêm phần sang trọng, Sony không quên dùng gam màu đen tuyền kết hợp sơn bóng để bộ 3 ống kính G Master luôn nổi bật dưới mọi góc nhìn.
Không cần bàn cãi, mỗi ống kính G Master là một kiệt tác nghệ thuật. Nó mang trong mình sức mạnh tối thượng và thân hình đồ sộ, nhưng không quên đi sự mềm mại và cá tính, đúng như cách mà người Nhật vẫn làm với mỗi sản phẩm họ làm ra. Hơn nữa, để tôn vinh nhãn hiệu GM, họ cũng rất táo bạo với việc in logo G màu đỏ lên trên thành ống. Không còn là chữ G đơn điệu quen thuộc hồi nào nữa, giờ chúng ta sẽ có 1 tên gọi mới là "G tem đỏ" bên cạnh "Zeiss tem xanh" 1 thời mang tên tuổi Sony lên 1 tầm cao mới.
2. Công nghệ được sử dụng
- Thấu kính XA (Extra Aspherical)
Sony công bố rằng họ đã phát triển thành công loại thấu kính quang học thế hệ mới, tiếp nối công nghệ thấu kính phi cầu Aspherical. Công nghệ mới mang tên XA (Extra Aspherical). Về lý thuyết, nó vẫn mang đặc trưng của dòng này, tuy nhiên được cải tiến với độ tinh khiết thấu kính ở mức cao hơn, lớp tráng phủ nano thế hệ 2 tốt hơn đời 1, giảm thiểu tối đa hiện tượng méo ở rìa ảnh vốn thường xuyên xảy ra trên các ống kính góc rộng như 24-70mm. Không những vậy, nhà sản xuất dòng ống kính G Master cho rằng họ đã "tái hiện thành công" độ nét của một bức ảnh ở mức cao nhất với hệ thống thấu kính XA này, bởi từ trước đến nay, rất ít ống kính sản xuất cho máy ảnh Sony ngàm E có khả năng đạt đến giới hạn này.
- Thấu kính ED và Super ED
ED và Super ED vốn là công nghệ từ hãng sản xuất máy ảnh - ống kính xa xưa và đến nay gần như đã lỗi thời là Konica Minolta. Kể từ kỉ nguyên máy ảnh kĩ thuật số ra mắt, Minolta đã đánh mất chính mình vì còn cố thủ với công nghệ máy phim, và họ cho rằng máy phim sẽ luôn có 1 con đường sống riêng song song với máy ảnh kĩ thuật số... nhưng họ đã lầm. Sai lầm đó khiến họ phải bán đi chính mình, bán đi cả những công nghệ đỉnh cao thời bấy giờ.
Dẹp câu chuyện buồn của Minolta sang một bên, ED và Super ED (do Sony cải tiến sau này) là công nghệ thấu kính đáng giá cho đến nay được hầu hết các hãng sản xuất ống kính sử dụng. Khả năng tối thượng mà nó đem lại chính là giảm thiểu quang sai, khắc phục hiện tượng ghost và flare vốn xuất hiện thường xuyên trên các ống kính MF cổ. Với cấu trúc vát cạnh và độ mài giũa thấu kính rất tinh xảo, đây vẫn là công nghệ độc quyền của Sony, và họ tự tin rằng sẽ luôn trang bị công nghệ này cho tất cả ống kính của mình, từ bình dân đến cao cấp.
- 11 lá khẩu: bokeh đã tròn, nay còn tròn hơn
Hãy đặt trường hợp như sau: bạn muốn chụp ảnh chân dung xóa phông với rất nhiều ánh đèn phía sau, bạn muốn có những hình tròn nổi khối tuyệt đẹp, hay đơn giản là ngẫu hứng chụp những bóng đèn nho nhỏ đằng sau cốc cafe đang nhâm nhi giữa trời rét. Bạn có thấy bực hay khó chịu khi bokeh không thật sự tròn như bạn nghĩ, nó giống như hình lục giác không? Tất nhiên là có. Dựa trên lý thuyết về bokeh mà vốn Sony rất giỏi về vấn đề này (bokeh vốn xuất phát từ tiếng Nhật), họ đã đưa vào ống kính 11 lá khẩu để đảm bảo bokeh tròn và tự nhiên tới mức tối đa. Và như chúng ta có thể thấy, công nghệ tiện CNC các miếng thép của Sony đã lên tới mức đỉnh cao, mỗi miếng thép cắt ra không được phép có sai số.
- Motor lấy nét siêu âm SSM (Super Sonic Motor)
SSM là công nghệ hậu bối với tiền thân là SAM. SAM hiện vẫn đang được sử dụng ở một số ống kính giá rẻ như SEL FE 50mm F1.8, SEL FE 50mm F2.8 Macro. Về cơ bản, đây là công nghệ khá đơn giản khi dùng 1 motor cơ học đẩy cả cụm thấu kính chính ra xa hoặc lại gần cảm biến. Công nghệ này có nhược điểm là rất chậm, khả năng bắt nét sai cao, khó hỗ trợ các chức năng lấy nét liên tục như AF-C hoặc Lock-on AF và độ ồn khi AF rất lớn. Cảm giác thiếu chuyên nghiệp đi rất nhiều khi cầm các ống kính này, và điều duy nhất người dùng muốn làm là chuyển nó ngay sang chế độ MF...
Trái lại, SSM là công nghệ lấy nét siêu âm, không tiếng ồn. Nó dùng 1 hệ thống nam châm từ tính để di chuyển các mảng thấu kính. Hầu hết ống kính ngàm E hiện tại đang sở hữu công nghệ này, ngay cả ống kit 16-50mm. Có một số ống kính phải dùng đến 2 cơ chế SSM do tổng thể của nó quá dài, một hệ thống SSM là không đủ để di chuyển cả 1 cụm thấu kính to, họ bắt buộc phải chia ra làm 2 hệ thống khác nhau. 2 hệ thống này làm việc đồng thời cùng nhau, phân phối khả năng lấy nét một cách đồng đều. Cơ chế SSM1 được ưu tiên khởi động đầu tiên khi quá trình lấy nét bắt đầu, sau đó đến cơ chế SSM2 di chuyển bằng 2 thanh kim loại. Lý do được đưa ra là giảm thiểu khối lượng ống kính và tránh xung đột giữa 2 nguồn nam châm lớn bên trong. Cũng dễ hiểu, 1.5kg không phải là một con số dễ dàng đặc biệt là cho những chuyến đi xa, phải đeo một bộ máy hơn 2kg bên mình quả là một trải nghiệm khủng khiếp. Bù lại, SSM sẽ mang đến khả năng lấy nét không tiếng ồn do không cần "vận sức" di chuyển cụm thấu kính, nhanh hơn nhờ việc dùng nam châm kéo/đẩy.
3. Ống kính của tương lai
Theo các tài liệu được công bố, và các văn bản đăng ký bản quyền, hiện tại Sony đang có trong tay công nghệ sản xuất được sensor độ phân giải 100megapixel và cao hơn thế nữa, và sứ mệnh của dòng lens G Master được Sony hứa hẹn sẽ đảm bảo để mang đến một giá trị tuyệt đối, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thế hệ sensor siêu độ phân giải trong tương lai.
4. Giá trị thương hiệu
Từ trước đến nay, Sony luôn bị gắn cái mác "con nhà giàu mới dám chơi". Lý do vì các thiết bị của họ ở mức giá khá cao, cao hơn mức trung bình mà 1 người dùng có thể bỏ ra cho đam mê hoặc sở thích của họ.
Suy cho cùng, Sony chỉ đang làm điều mà mọi hãng công nghệ khác cũng đang làm: Định giá thương hiệu.
Ngoài ra, mỗi chi tiết trên các ống kính cao cấp này đều được chăm chút tỉ mỉ qua bàn tay của các kĩ sư, công nhân có trình độ cao. Suy cho cùng, họ cũng làm công ăn lương mà thôi...
Vậy đâu mới là lời giải thích hợp lý?
Dựa trên những phân tích trên, khẳng định rằng mỗi ống kính G Master có giá cao đến vậy là do công nghệ tích hợp bên trong. SSM, 11 lá khẩu, thấu kính XA lần đầu tiên xuất hiện hay việc nhồi nhét đến 1/3 tổng số thấu kính là ED và Super ED là nguyên do dẫn đến việc giá thành "ngất ngưởng".
Nếu không có hầu bao mạnh mẽ, có lẽ chúng ta nên chọn ở lại với các ống kính thường, dòng G, Sony Zeiss hoặc Zeiss dành cho Sony ngàm E, bởi thực chất các ống kính này cũng được Sony chăm chút khá tốt. Còn riêng với G Master, nếu bạn là một tay chơi dư giả kinh tế, hoặc 1 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng Sony là công cụ tác nghiệp chính của mình, thì dòng ống kính này không nên bỏ lỡ người chủ xứng đáng với nó...
Nguồn tin: Luong Vo
Ý kiến bạn đọc