Tốc Độ Màn Trập Trong Nhiếp Ảnh
- Thứ năm - 27/04/2017 13:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tốc độ màn trập (gọi tắt là Tốc hoặc Tốc Độ, tiếng Anh: shutter speed/speed) là một trong những khái niệm cơ bản trong nhiếp ảnh. Ảnh tối hay sáng, mờ hay nét, chủ thể của ảnh tĩnh hay động đều phụ thuộc vào Tốc Độ Màn Trập
I. Tốc độ màn trập là gì?
Hiểu đơn giản, Tốc độ màn trập là khoảng thời gian cảm biến máy ảnh (hoặc film) ghi nhận hình ảnh. Khi chụp một bức ảnh, màn trập sẽ mở ra và cho phép ánh sáng chiếu qua ống kính đến bộ cảm biến. Nói cách khác, tốc là khoảng thời gian màn trập đóng/mở để ánh sáng chiếu vào cảm biến.
Để dễ hiểu, hãy tưởng tượng màn trập là mí mắt, còn cảm biến là mắt bạn. Khi ấn nút chụp ảnh, mí mắt sẽ mở ra/đóng lại, khoảng thời gian mi mắt đóng mở, mắt được 1 lượng ánh sáng chiếu vào trực tiếp, khoảng thời gian đó chính là tốc độ màn trập.
Tốc độ màn trập được đo bằng giây, hoặc trong phần lớn các trường hợp được đo bằng một phần của giây, thể hiện dưới dạng phân số – mẫu số càng lớn thì tốc độ càng nhanh (tức là 1/1000 giây là nhanh hơn nhiều so với 1/30 giây).
Vậy, Tốc Độ Màn Trập có ảnh hưởng như thế nào đến nhiếp ảnh?
II. Ảnh hưởng của Tốc Độ Màn Trập tới bức ảnh
Vì tốc độ màn trập là thời gian cảm biến được chiếu sáng, nên từ nay ta sẽ ngầm hiểu, thời gian chậm tương ứng với tốc độ màn trập thấp, thời gian nhanh tương ứng tốc độ nhanh.
Ví dụ: tốc độ 1/200 giây sẽ nhanh hơn so với 1/20 giây.
1. Tốc độ ảnh hưởng tới độ sáng của bức ảnh
Vì tốc độ màn trập là khoảng thời gian cảm biến ghi nhận ánh sáng/ hình ảnh, nên tất nhiên chụp ảnh ở tốc 1/200 giây, lượng ánh sáng đi vào cảm biến sẽ ít hơn so với chụp ảnh ở tốc 1/20 giây.
Trong nhiếp ảnh, khái niệm Tốc Độ Màn Trập còn được dùng bằng một thuật ngữ khác: Thời Gian Phơi Sáng. Hiểu một cách đơn giản, là thời gian cảm biến được “phơi” ra cho ánh sáng đi vào.
Dưới đây là ví dụ về thời gian phơi sáng khác nhau, ở ảnh trái, tốc độ chụp là 1/30 giây, so với ảnh phải, tốc độ chụp 1/50 giây, trong khi các yếu tố khác được giữ nguyên.
Ta có một ví dụ tổng quan về độ sáng và tốc độ màn trập:
Do đó, tùy vào điều kiện ánh sáng lúc chụp ảnh, cần sử dụng thời gian phơi sáng phù hợp để thu được bức ảnh đúng sáng.
2. Tốc độ ảnh hưởng tới hình ảnh thu được đối với các chủ thể chuyển động.
Tốc độ màn trập được cho là nhanh thường từ 1/125 giây trở xuống, chẳng hạn như 1/250 hay 1/500 giây (mẫu số càng lớn, tốc độ càng nhanh). Mặt khác, tốc độ màn trập được cho là chậm khi nó đóng mở trong vòng 1/30 giây hoặc lâu hơn, chẳng hạn 1/15 hay 1/8 giây.
TỐC ĐỘ MÀN TRẬP NHANH (THỜI GIAN PHƠI SÁNG NGẮN)
Tốc độ màn trập nhanh giúp “đóng băng chuyển động”, ví dụ, một người nhảy lên, hành động nhảy lên diễn ra trong 1/100 giây, để chụp được khoảnh khắc người ấy ở trên không trung, cần thiết lập tốc độ nhanh hơn 1/100 giây (1/150 giây, 1/200 giây…). Sử dụng tốc độ màn chập nhanh rất hữu ích khi chụp các đối tượng chuyển động như xe đang chạy, người đang chạy nhảy… Tốc độ màn trập nhanh cũng giúp bức ảnh không bị mờ nhòe (do khoảng thời gian chụp nhanh hơn thời gian vật chuyển động)
Tại hình dưới (ảnh sưu tầm), khoảnh khắc nước đổ xuống và tản ra xung quanh diễn ra rất nhanh, nhưng với tốc độ chụp nhanh, ta có thể bắt được khoảnh khắc đó, hay còn gọi là đóng băng chuyển động.
Tốc độ màn trập chậm cho phép ánh sáng đến bộ phận cảm biến được nhiều hơn, vì vậy chúng thường được sử dụng để chụp trong trường hợp thiếu sáng. Tuy nhiên, ảnh sẽ dễ bị mờ do rung lắc khi cầm máy ảnh. Do đó khi chụp ảnh với tốc độ màn trập chậm, bạn nên có chân máy (tripod) để ổn định hình ảnh.
TỐC ĐỘ MÀN TRẬP CHẬM (THỜI GIAN PHƠI SÁNG DÀI)
Mức tốc độ màn trập chậm được ứng dụng trong kỹ thuật chụp “phơi sáng” phong cảnh. Ảnh thu được sẽ có một độ huyền ảo rất riêng.
Bức ảnh dưới đây được tôi chụp vào buổi tối, ánh sáng rất ít, thời gian phơi sáng (tốc độ màn trập) trong khoảng 25 giây. Có thể thấy các dải sáng ở dưới là các phương tiện giao thông đang di chuyển trong quá trình chụp. Chụp có sử dụng chân máy (tripod)
Ảnh trên chụp ở tốc độ 4 giây, nếu để ý kỹ bức hình trên, ta sẽ thấy có bóng chân người đang chuyển động đi về phái trái bức ảnh, đấy là người đi đường, xuất hiện trong quá trình chụp, tuy nhiên thời gian xuất hiện ngắn (ngắn hơn 4 giây) nên lưu lại ảnh không rõ ràng, trong khi các vật cố định như cây cối, nhà cửa, đèn đường đều lên ảnh rất rõ và chi tiết. Đối với các phương tiện chuyển động, đèn trên xe cộ lưu lại thành các đường sáng.
Dưới đây tôi trích dẫn lại từ ảnh và chia sẻ của anh Tuan_lionsg trên diễn đàn Tinh Tế:
Chẳng hạn tấm ảnh sau, tôi đã chụp các tấm ảnh trước đó nét căng anh nhạc công, nhưng không có cảm giác buổi rock bằng chụp chậm lại để đủ nét nhân vật và mờ nhoè các chuyển động. Điều này cũng tuỳ ở chủ ý và cảm xúc của từng người, nhưng cá nhân mình có chủ ý ấy.
Tạo cảm giác nhiều hơn là bắt dính chuyển động.
Giờ ta sẽ xem một thử nghiệm của nhiếp ảnh gia Lyndzee Ellsworth khi chụp trung tâm thành phố San Diego vào ban đêm để hiểu rõ tốc độ màn trập ảnh hưởng tới bức ảnh như thế nào. Bốn bức ảnh chụp dưới đây được thay đổi sao cho mỗi lần chụp thì thời gian màn trập mở lại ngắn hơn một chút.
Các ảnh được chụp ở ISO 100 để giữ nhiễu ở mức tối thiểu – điều này rất quan trọng khi chụp ảnh ban đêm, nhằm cùng lúc tối ưu cả màu sắc và bóng tối. Khẩu độ F/5 được thiết lập cho tất cả 4 bức ảnh, vì ở khẩu độ này, ống kính máy ảnh vẫn còn mở đủ rộng để cho ánh sáng đi qua.
Bắt đầu với bức ảnh đầu tiên, tốc độ màn trập được thiết lập ở mức phơi sáng 15 giây. Với màn trập mở trong 15 giây, tất cả ánh sáng mà ống kính có thể thu được trong 15 giây đó được ghi lại và xử lý. Và, như kết quả thể hiện trong bức ảnh dưới đây, bạn có thể thấy 15 giây là quá nhiều, vì vậy sau đó tốc độ màn trập được giảm xuống 10, tiếp đó là 8 và cuối cùng là 6 giây.
Theo tác giả, bức ảnh được chụp với tốc độ màn trập 6 giây được đánh giá là đẹp nhất.
III. Làm chủ Tốc Độ Màn Trập
Dưới đây là ghi chú theo kinh nghiệm về ý nghĩa của từng tốc độ màn chập, trên thực tế cần đo sáng chính xác và xét các yếu tố ngoại cảnh khác.
- Tốc độ 1/4000s: đóng băng mọi chuyển động
- Tốc độ 1/2000s: bắt “dính” hình một chú chim đang bay
- Tốc độ 1/1000s: đóng băng chuyển động của xe hơi, xe máy.
- Tốc độ 1/500s: đóng băng chuyển động của các vận động viên, xe địa hình hoặc người đang chạy bộ.
- Tốc độ 1/125s: dùng để chụp panning xe máy, xe hơi (bắt dính đối tượng đang chuyển động với phông nền nhòe tạo cảm giác chuyển động)
- Tốc độ 1/60s: chụp panning xe địa hình đang di chuyển gần ống kính
- Tốc độ 1/30s: chụp panning vận động viên đua xe đạp ở khoảng cách xa ống kính
- Tốc độ 1/15s: chụp panning người chạy bộ, trẻ em đang nô đùa hoặc các con thú
- Tốc độ 1/8s: làm mờ dòng nước đang chảy xiết gần ống kính
- Tốc độ 1/4s: làm mờ chuyển động của người đi bộ
- Tốc độ 1/2s: Làm mờ dòng nước đang chảy chậm.
- Tộc độ 1 giây hoặc chậm hơn: chụp phơi sáng, hiệu ứng dòng chảy trắng xóa huyền ảo.
Kỹ thuật chụp dòng nước sẽ được giới thiệu trong những bài viết sau.
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét tốc độ màn trập an toàn khi chụp ảnh để không bị rung, mờ, mất nét.
Theo kinh nghiệm chung của người chụp ảnh, để tránh rung, lắc, Tốc độ màn trập tối thiểu cần đạt nếu dùng ống kính có tiêu cự 50mm gắn trên thân máy ảnh phim (khổ 35mm) hay trên máy ảnh số Fullframe/FX là 1/50 giây. Đối với tiêu cự 50mm, dùng trên máy ảnh sử dụng cảm biến Crop Sensor 1.5x-1.6x, thì tiêu cự trở thành 50×1.5=75 hoặc 50×1.6=80, tức là xấp xỉ 80mm, tốc độ tối thiểu cần dùng 1/80 giây. Do đó, trong điều kiện ánh sáng tốt (ánh sáng ngoài trời) để đơn giản và tránh các tính toán không cần thiết, cũng như chắc chắn tránh được tình trạng rung/ nhòe khi không cầm chắc máy ảnh, chúng ta nên dùng tốc độ màn trập nhanh gấp đôi so với chỉ số tiêu cự. Cụ thể ở đây, với ông 50mm, dễ dàng chọn dùng tốc 1/100 giây hoặc có thể nhanh hơn, 1/120, 1/150 giây…
Chú ý rằng tiêu cự của ống kính càng dài, càng dễ gây ra sự rung khi chụp, nên càng phải chụp ở tốc độ cao. Nếu sử dụng Chân máy (tripod) hoặc người chụp có khả năng cầm cố định máy trong thời gian chụp thì sẽ không bị ảnh hưởng bới yếu tố rung lắc nữa.
Hiện nay hầu hết các ống kính máy ảnh kỹ thuật số hiện đại đều tích hợp sẵn công nghệ chống rung. Điều này sẽ giảm thiểu sự nhòe, mất nét khi chụp ảnh.
V. Chế Độ Chụp Ảnh Ưu Tiên Tốc Độ Màn Trập
Chế độ ưu tiên tốc độ (Shutter Priority Mode)
Đối với các máy ảnh khác nhau, sẽ có ký hiệu khác nhau. Thông thường đối với máy CANON, chế độ này có ký hiệu Tv, còn đối với máy NIKON, ký hiệu là S.
Trong chế độ chụp này, bạn sẽ chọn tốc độ muốn chụp và máy ảnh sẽ lựa chọn khẩu độ thích hợp để ảnh chụp có độ phơi sáng tốt (một bức ảnh đúng sáng).
Khi nào sẽ sử dụng chế độ ưu tiên tốc độ?
Chúng ta sẽ lấy ví dụ khi chụp ảnh một chiếc xe đua, muốn lấy nét toàn bộ cảnh mà không bị mờ bất cứ chi tiết nào thì sẽ phải chọn tốc độ chụp nhanh (ví dụ 1/2000 như trong hình dưới đây) và máy ảnh sẽ xem xét lượng ánh sáng hiện tại để thiếp lập khẩu độ thích hợp.
Nếu thay vào đó bạn muốn chụp hình chiếc xe nhưng vẫn muốn giữ lại các chuyển động mờ để tảo cảm giác chiếc xe đang chạy nhanh. Lúc này bạn sẽ chọn tốc độ chụp chậm hơn (như trong ảnh ví dụ dưới đây có tốc độc chụp là 1/125) và máy ảnh sẽ chọn khẩu độ nhỏ hơn.
Hãy nhớ rằng ở chế độ ưu tiên Tốc Độ, máy ảnh tự động lựa chọn khẩu độ, khẩu độ sẽ ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (DOF). Có nghĩa là nếu chọn tốc độ chụp nhanh để chụp một chủ thể đang chuyển động thì khẩu độ sẽ phải mở ra để bù lại lượng ánh sáng ít của tốc độ, do đó ảnh sẽ có một độ sâu trường ảnh mỏng.
Gợi ý sử dụng chế độ ưu tiên tốc độ – S (Nikon) / Tv (Canon)
- Để bảo đảm triệt tiêu hiện tượng rung tay khi chụp, nhiều người chụp thường đặt ở tốc độ từ 1/125 giây -1/250 giây và thấp hơn để đạt được điều này. Thông thường ở ánh sáng ngoài trời, có thể đặt tốc độ 1/400 giây mà vẫn đủ sáng để có thể khép khẩu một chút và thu được ảnh có độ sâu trường ảnh tốt.
- Trong điều kiện ánh sáng môi trường đơn giản, không quá gắt và không quá yếu, có ít nhiễu do tác động của nhiều nguồn sáng, hay các trường hợp chụp trong nhà có ánh sáng môi trường tương đối ổn định, không phải chụp ngược sáng, v.v… chế độ S/Tv cũng cho phép người chụp giản thiểu tính toán phơi sáng bằng cách đặt một tốc độ chụp cố định.
- Trong trường hợp sử dụng ống zoom (tiêu cự thay đổi) có khẩu độ mở thay đổi theo tiêu cự, việc đặt một tốc độ cố định cũng giúp giản thiểu tính toán phơi sáng khi chuyển tiêu cự chụp (zoom ra, zoom vào)
- Trong trường hợp sử dụng đèn flash số có TTL (through-the-lens) với ánh sáng tương đối không đổi giữa các kiểu chụp và bảo đảm tốc độ đồng bộ đèn (flash sync speed).
Lời kết
Đến đây có lẽ bạn đã biết cách vận dụng Tốc Độ Màn Trập theo chủ ý khi chụp ảnh, đặc biệt nếu là người mới bắt đầu nghiên cứu về việc chụp ảnh, bạn nên thử sử dụng chế độ chụp Ưu Tiên Tốc Độ trong một khoảng thời gian, đồng thời xem lại ảnh và rút ra bài học cho chính mình về tốc độ màn trập đối với những bức ảnh của bạn.