NHIẾP ẢNH 365

http://nhiepanh365.com


Khẩu Độ Trong Nhiếp Ảnh

Khẩu độ là một trong những khái niệm cơ bản nhất của nhiếp ảnh. Ngoại trừ trường hợp sử dụng máy ảnh tự động, trong nhiếp ảnh nói chung, người chụp ảnh cần nắm rõ về khẩu độ để kiểm soát được lượng ánh sáng cũng như điểm nhấn trong chiều sâu của bức ảnh.

Khẩu độ là một trong những khái niệm cơ bản nhất của nhiếp ảnh. Ngoại trừ trường hợp sử dụng máy ảnh tự động, trong nhiếp ảnh nói chung, người chụp ảnh cần nắm rõ về khẩu độ để kiểm soát được lượng ánh sáng cũng như điểm nhấn trong chiều sâu của bức ảnh.

I. Khẩu Độ là gì ?

Khẩu Độ (còn gọi là Độ Mở, tiếng Anh là Aperture) hiểu đơn giản là độ mở của ống kính tại thời điểm chụp ảnh.

Thế nghĩa là gì?

Khi ấn nút chụp ảnh, cảm biến của máy ảnh sẽ mở ra để thu lại hình ảnh trong khoảnh khắc đó. Hình ảnh trước khi tới cảm biến sẽ phải đi qua ống kính. Tức là, ống kính cho bao nhiêu ánh sáng qua, thì cảm biến nhận được bấy nhiêu. Độ mở của ống kính quyết định lượng ánh sáng thu được.

Tại thời điểm chụp ảnh, khẩu độ càng lớn (ống kính mở càng lớn) thì lượng ánh sáng từ hình ảnh thu được ở cảm biến càng nhiều, ngược lại, khẩu độ nhỏ (ống kính mở hẹp), cảm biến càng nhận được ít ánh sáng.

Ví dụ ở hình dưới, khẩu độ nhỏ (bên trái) so với khẩu độ lớn(bên phải)

Khẩu độ nhỏ và khẩu độ lớn của ống kính
Khẩu độ nhỏ và khẩu độ lớn của ống kính

Khẩu độ được ký hiệu là f, ví dụ, đối với ống kính 50mm f1.8
tại giá trị 1.8, khẩu độ là f/1.8
tại giá trị 4, khẩu độ là f/4.

Các giá trị thường gặp là 1.4 – 1.8 – 2 – 2.8 – 3.5 – 4 – 5.6 – 8 – 11, những giá trị này được gọi là f-stop hoặc giá trị f, giá trị càng nhỏ thì độ mở càng lớn.

Độ mở của ống kính lần lượt tại f/1.4 – f/2 – f/2.8 – f/4 – f/5.6 – f/8
Độ mở của ống kính lần lượt tại f/1.4 – f/2 – f/2.8 – f/4 – f/5.6 – f/8

vì 1.4<2<2.8<4<2.6<8, nên khẩu độ f/1.4>f.2>f/2.8>f/4>f/5.6>f/8, có nghĩa là tại 1.4 (hoặc f/1.4), ống kính mở rộng hơn so với tại 8 (f/8).

II. Ảnh hưởng của Khẩu Độ (độ mở) tới bức ảnh

1. Khẩu độ ảnh hưởng tới độ sáng của bức ảnh

Bây giờ, giả sử ta giữ nguyên mọi thông số khi chụp, chỉ thay đổi khẩu độ khi chụp ảnh. Như ở hình dưới, khẩu độ f/5 (ảnh bên trái) cho ảnh tối hơn, so với f/1.8(ảnh bên phải) cho ảnh sáng hơn.

Chênh lệch sáng/tối giữa f/1.8 (bên phải) so với f/5 (bên trái)
Chênh lệch sáng/tối giữa f/1.8 (bên phải) so với f/5 (bên trái)

Điều này là dễ hiểu, vì khẩu độ f/5 có độ mở nhỏ hơn so với khẩu độ f/1.8.

Vậy, khi chụp ảnh và bức ảnh bị tối/thiếu sáng, ta có thể tăng khẩu độ để thu được lượng ánh sáng lớn hơn, làm bức ảnh sáng hơn.

2. Khẩu độ và chiều sâu của bức ảnh

Ngoài ra ảnh hưởng đến lượng ánh sáng thu được, khẩu độ còn ảnh hưởng tới chiều sâu của ảnh (tiếng Anh: Depth of Field hoặc viết tắt DOF, thuật ngữ: độ sâu trường ảnh). Khẩu độ càng nhỏ, ảnh càng có chiều sâu (tức là khoảng nét của chủ thể càng dày). Ngược lại, khẩu độ lớn, ảnh có ít chiều sâu, do đó, chủ thể và nền tách biệt hơn, do khoảng nét mỏng nên nền(hậu cảnh) thường mờ và làm nổi bật chủ thể.

Ta xem ví dụ dưới đây, ảnh chụp tại f/8, f/5.6 và f/2.8:

Chi tiết và phông nền thay đổi khi thay đổi khẩu độ, ngoại cảnh rõ hơn khi giảm khẩu độ (khép khẩu)
Chi tiết và phông nền thay đổi khi thay đổi khẩu độ, ngoại cảnh rõ hơn khi giảm khẩu độ (khép khẩu)

Có thể thấy, chủ thể là bức tượng đằng trước, nền (hậu cảnh) là bức tượng đằng sau, tại f/2.8, bức tượng đằng sau mờ hơn so với f/5.6, trong khi đó tại f/8, bức tượng đằng sau cho hình ảnh rõ ràng nhất.

Để hiểu rõ hơn điều này, có thể xem thêm một vài hình so sánh giữa khẩu độ và trường ảnh như dưới đây

sự thay đổi của hậu cảnh (nền) từ f/2.8 – hậu cảnh bị xóa mờ, cho tới f/22 – hậu cảnh khá rõ nét
sự thay đổi của hậu cảnh (nền) từ f/2.8 – hậu cảnh bị xóa mờ, cho tới f/22 – hậu cảnh khá rõ nét
 
Khẩu độ f/2.8 tại bức ảnh bên trái làm chủ thể nổi bật hơn so với khẩu độ f/8 ở bức ảnh bên phải.
Khẩu độ f/2.8 tại bức ảnh bên trái làm chủ thể nổi bật hơn so với khẩu độ f/8 ở bức ảnh bên phải.

Bởi vậy, trong trường hợp cảm thấy ảnh không đủ nét, ta có thể khép khẩu xuống (đóng/giảm khẩu độ) để thu được ảnh có độ sâu trường ảnh tốt, do đó chi tiết trở nên rõ nét hơn.

Ngược lại, trong trường hợp muốn loại bỏ chi tiết thừa của hậu cảnh, ta có thể để khẩu mở lớn, giúp làm mờ hậu cảnh, tách biệt chủ thể với hậu cảnh.

III. Tận dụng Khẩu Độ trong nhiếp ảnh

Đối với những người mới tìm hiểu về nhiếp ảnh, chúng ta sẽ xét 2 kiểu nhiếp ảnh là Nhiếp ảnh Chân dung (Portrait) và Nhiếp ảnh Phong Cảnh (Lanscape) trong việc tận dụng khẩu độ.

1. Chụp ảnh chân dung

Đối với chụp ảnh chân dung thông thường, để tách người (chủ thể) ra khỏi nền/hậu cảnh (còn gọi là xóa phông) người ta thường sử dụng khẩu độ lớn. Như đã phân tích ở trên, khẩu độ lớn tách chủ thể khỏi nền, và làm người xem tập trung vào chủ thể của bức ảnh, do đó, khi xem ảnh, có cảm giác cuốn hút vào đối tượng được chụp hơn.

Ví dụ ảnh dưới đây, là một trong những bức ảnh chân dung đầu tiên tôi chụp, trong lúc tình cờ đi dạo hồ Gươm. Có thể thấy khẩu độ lớn làm mờ hậu cảnh và có tác dụng tạo điểm nhấn vào chủ thể.

Sử dụng khẩu độ lớn để làm mờ hậu cảnh và nổi bật chủ thể một cách phù hợp. Ảnh chụp tại f/1.8
Sử dụng khẩu độ lớn để làm mờ hậu cảnh và nổi bật chủ thể một cách phù hợp. Ảnh chụp tại f/1.8 | Link ảnh gốc

2. Chụp ảnh Phong Cảnh

Trong khi đó, khi chụp ảnh phong cảnh, hoặc ảnh đời thường, chúng ta cần nhấn mạnh các chi tiết đẹp của phong cảnh, để làm điều này, người ta thường sử dụng khẩu độ nhỏ, để thu được ảnh với chi tiết rõ ràng và sắc nét nhất có thể.

Ví dụ bức ảnh chụp sông Hồng dưới đây, chụp từ cầu Long Biên. Tại khẩu độ f/11, các chi tiết gần như nét tương đương. Ảnh đã qua xử lý.

Ảnh chụp bãi bồi sông Hồng, tại khẩu độ f/11. Khép khảu nhỏ để thu được độ nét phù hợp
Ảnh chụp bãi bồi sông Hồng, tại khẩu độ f/11. Khép khảu nhỏ để thu được độ nét phù hợp. | Link ảnh gốc

IV. Thực hành chụp ảnh với chế độ Ưu Tiên Khẩu Độ

Hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số hiện đại, từ DSLR cho tới Mirrorless (không gương lật), hay thậm chí một số điện thoại cao cấp, đều có chế độ chụp ảnh ưu tiên khẩu độ.

Ở chế độ này, ta đặt khẩu độ tùy thuộc vào nội dung muốn truyền tải, máy ảnh sẽ tính toán tốc độ chụp phù hợp (và cả độ nhạy sáng ISO) để thu được một bức ảnh đúng sáng.

Lợi thế của chế độ chụp Ưu Tiên Khẩu Độ, là sự đơn giản, linh hoạt, do người chụp chỉ cần xác định độ sâu trường ảnh mong muốn, không cần tính toán các giá trị khác, giúp tiết kiệm thời gian và từ đó chụp được những khoảnh khắc nhanh. Đối với những người mới chụp ảnh, Dũng vẫn khuyên mọi người sử dụng chế độ này.

Đối với các máy ảnh khác nhau, sẽ có ký hiệu khác nhau. Thông thường đối với máy CANON, chế độ này có ký hiệu Av, còn đối với máy NIKON, ký hiệu là A.

Đến đây thì mình nghĩ các bạn có thể cầm máy ảnh lên, chuyển sang chế độ ưu tiên khẩu độ, ra ngoài và chụp một vài bức ảnh rồi. Đơn giản nhất là lấy người thân ra làm mẫu. Chú ý nếu trong phòng (indoor) thì điều kiện ánh sáng là thấp hơn so với ngoài trời (outdoor) nhé.

V. Các thông tin khác về khẩu độ

Đối với các ống kính hiện đại có chế độ lấy nét tự động, khẩu độ thường được tùy chỉnh trên thân máy ảnh rất dễ dàng. Trong khi đó, đối với các lens cũ (lens MF) không có chế độ lấy nét tự động, khẩu độ được chỉnh hoàn toàn bằng tay. Để thay đổi khẩu độ, cần xoay vòng khẩu ở trên thân ống kính.

Các ống kính có độ mở càng lớn thì độ phức tạp và giá tiền càng lớn so với các ống kính có độ mở nhỏ. Ví dụ ống kính 50mm f/1.4 (có độ mở lớn nhất là f/1.4) đắt hơn so với ống kính 50mm f/1.8 (độ mở lớn nhất f/1.8).

Thông thường, ở khẩu độ lớn nhất của ống kính, hình ảnh tương phản và độ sắc nét chưa đạt mức tốt nhất. Để khắc phục điều này, chúng ta nên khép khẩu lại. Ví dụ, đối với ống kính 50mm f/1.8, Dũng thường sử dụng ở khẩu độ f/2.8. Tại khẩu độ này, ảnh nét và truyền tải được nhiều chi tiết hơn so với f/1.8. Tuy nhiên, chụp trong điều kiện không đủ sáng, nhiều lúc vẫn bắt buộc mở khẩu lớn để thu được bức ảnh đúng sáng. Bởi vậy, thực tế trong lúc chụp, mọi thứ còn tùy thuộc vào môi trường và nội dung bức ảnh.


 

Nguồn tin: aboutphotography

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây