Cuộc thi ảnh với chủ đề thú vị này do Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bảo tàng Phụ nữ đồng tổ chức.
Thụy Điển là một trong những quốc gia bình đẳng nhất trên thế giới theo đánh giá của các bảng xếp hạng quốc tế. Ở Thụy Điển, cả nữ giới và nam giới đều được hưởng các quyền như nhau - ở môi trường học đường, tại nơi làm việc và ở nhà. Với 480 ngày nghỉ phép được trả lương, tương đương với 16 tháng khi sinh con dành cho cả bố và mẹ, Thụy Điển là quốc gia tiên phong với một chính sách ưu đãi và đặc biệt để khuyến khích bình đẳng giới trong công sở và ngay tại các gia đình.
Thụy Điển mong muốn tất cả người dân đều được hưởng các quyền bình đẳng không phân biệt giới tính và thiết lập một cơ quan Ombudsman (Thanh tra nhân dân) chịu trách nhiệm về bình đẳng để đảm bảo những quyền này được tôn trọng và thực thi. Một vài thập kỷ trước đây, phần lớn những người học đại học tại Thụy Điển là nam giới. Ngày nay gần 2/3 số người học ở các trình độ đại học ở Thụy Điển là nữ giới, cùng với đó là số lượng ngang bằng nhau của nữ giới và nam giới khi học lên các cấp sau đại học, thạc sỹ và tiến sĩ. Việc đảm bảo những kiến thức và kinh nghiệm của cả nam giới và nữ giới được sử dụng để thúc đẩy tiến bộ trong tất cả các khía cạnh của xã hội cũng được thể hiện ở các cấp lãnh đạo cao nhất . Hiện nay, 12 trong số 24 Bộ trưởng trong Chính phủ Thụy Điển là nữ, bên cạnh gần một nửa thành viên của Quốc hội Thụy Điển tham chính cũng là phụ nữ.
Trong cuộc sống đời thường, không có gì ngạc nhiên khi hình ảnh nhiều ông bố Thụy Điển tự hào đẩy xe đưa các con nhỏ đi chơi trên đường phố, mà ngược lại, nó đã trở thành hình ảnh thân thuộc, phổ biến trong xã hội Thụy Điển. Được thể chế hóa trong luật, kể từ năm 1845, phụ nữ cũng được hưởng các quyền thừa kế hoàn toàn giống như nam giới. Năm 2017, chia sẻ những kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bình đẳng giới, Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng phối hợp tổ chức Cuộc thi ảnh “Những gia đình bình đẳng”. Đây là hoạt động tiếp nối cuộc thi ảnh ”Những ông bố Việt Nam” diễn ra vào năm 2016. Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng trong các gia đình và khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, bao gồm việc chăm sóc con cái, phân chia công việc gia đình giữa những người bạn đời, đồng thời cùng phấn đấu cho công việc/sự nghiệp riêng và có những đóng góp tích cực cho xã hội. Nói về ý nghĩa của sự kiện này, ngài Pereric Högberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng bình đẳng giới là chìa khóa cho sự phát triển của Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự thịnh vượng của tương lai. Nếu tất cả các thành phần trong xã hội cùng tham gia, chung tay góp sức, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng được một mội trường bình đẳng hơn, đổi mới hơn và tiến bộ hơn”.
THỂ LỆ CUỘC THI
I. ĐIỀU KIỆN DỰ THI: Dành cho toàn thể công dân Việt Nam, không giới hạn độ tuổi. Thành viên ban giám khảo, người thân và các thành viên khác trong gia đình của ban tổ chức và ban giám khảo không được tham gia cuộc thi.
II. GIẢI THƯỞNG: Giải Nhất: bằng hiện vật trị giá 10 triệu đồng, quyết định do Ban Giám khảo bình chọn.
Giải Nhì: bằng hiện vật trị giá 8 triều đồng, quyết định do Ban Giám khảo bình chọn.
Giải thưởng trên Facebook: Đại sứ quán Thụy Điển sẽ đăng tải những bức ảnh được chọn qua vòng sơ khảo lên Facebook của Đại sứ quán. Tác giả của bức ảnh nhận được nhiều lượt “like” (yêu thích) nhất sẽ nhận được phần thưởng trực tiếp bằng hiện vật trị giá 7 triệu đồng từ ngài Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.
Trong trường hợp giải của cộng đồng Facebook bình chọn trùng với quyết định của Ban Giám khảo cho một trong hai giải cao nhất của Ban giám khảo, giải của cộng động mạng sẽ được trao cho tác phẩm có số lượt bình chọn cao nhất đứng kế tiếp.
Vòng Chung kết: Khoảng 30 bức ảnh được chọn từ Ban Giám khảo bao gồm giải Nhất, giải Nhì và bức ảnh nhận được lượt “like” (yêu thích) nhiều nhất trên Facebook của Đại sứ quán sẽ nhận được quà và bằng khen của Đại sứ quán Thụy Điển.
III. CÁCH THỨC NỘP TÁC PHẨM VÀ HỒ SƠ: • Mỗi tác giả có thể nộp tác phẩm qua email: Embassyofswedeninhanoi@gmail.com với tiêu đề “Cuộc thi ảnh Những gia đình bình đẳng” hoặc bằng đĩa CD/DVD dán trong phong bì đề tên cuộc thi, gửi tới Đại sứ quán Thụy Điển, tầng 15, Daeha Centre, 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
• Mỗi tác giả được gửi tối đa 15 tác phẩm.
• Tác giả cần hoàn thiện phiếu dự thi với mô tả chi tiết tác phẩm (không quá 100 từ). Các tác phẩm dự thi không có phiếu dự thi kèm theo sẽ được coi là không hợp lệ.
• Tải về phiếu tham gia trên trang web của Đại sứ quán Thụy Điển http://www.swedenabroad.com/hanoi hoặc trang facebook: www.facebook.com/EmbassyofSwedenInHanoi.
IV. THỜI HẠN NỘP TÁC PHẨM: • Thời gian nhận tác phẩm và phiếu tham gia từ ngày công bố cho đến hết ngày 15 tháng 05 năm 2017. Các tác phẩm nộp sau ngày kể trên sẽ coi như không hợp lệ.
V. TIÊU CHÍ CUỘC THI: Danh sách các tác phẩm lọt vào vòng chung kết và người chiến thắng sẽ dựa trên quyết định của Ban Giám khảo, bao gồm Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chuyên gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh và nghệ thuật cũng như bình đẳng giới. Đại sứ quán Thụy Điển sẽ giữ quyền quyết định cuối cùng đối với người chiến thắng.
• Những bức ảnh đoạt giải sẽ được lựa chọn dựa trên những tác động cụ thể với nhận thức của xã hội về chủ đề bình đẳng giới. Người dự thi sẽ dùng hình ảnh để kể lại một câu chuyện ý nghĩa trong đời thường, một khoảng khắc đáng nhớ trong gia đình, một hành động, một sự việc hoặc thể hiện quan điểm của mình góp phần tạo nên một xã hội bình đẳng hơn.
• Người dự thi có thể chụp những hình ảnh lấy bối cảnh trong gia đình, hoặc ngoại cảnh, tại những nơi công cộng, tại nơi làm việc như công sở, nhà máy, công trường, đồng ruộng…vv..
• Tác phẩm được giữ nguyên gốc, độc nhất, mang tính sáng tạo và chưa tham dự hay nhận giải tại một cuộc thi trước đây.
• Tác phẩm có thể là ảnh màu hoặc đen trắng.
• Tác phẩm có thể được chụp bằng các thiết bị chuyên hoặc không chuyên nghiệp, máy phim hoặc bằng điện thoại đã quét sang định dạng kỹ thuật số. Ảnh dự thi có định dạng file là JPEG, với độ phân giải tối thiểu 200 dpi/inch và dung lượng từ 1Mb-5 Mb.
• Tác giả có quyền chỉnh sửa tác phẩm dự thi về ánh sáng, nhưng không được thay đổi cấu trúc, nội dung của ảnh gốc.
• Tác phẩm dự thi phải được chụp bởi chính tác giả là người tham gia dự thi và không vi phạm bản quyền của bên thứ ba.
VI. KHUNG THỜI GIAN • Ngày 6 tháng 3 năm 2017: Phát động cuộc thi
• Ngày 15 tháng 05 năm 2017: Hết hạn gửi tác phẩm dự thi
• Tháng 5 năm 2017: Lựa chọn bức ảnh nhận được số like nhiều nhất trên facebook.
• Cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 năm 2017: Các tác giả có tác phẩm lọt vào chung kết sẽ được thông báo. Các tác phẩm dự thi khác không được trả lại.
• Tháng 6 năm 2017: Lễ công bố và trao giải tại Hà Nội.
VII. THÀNH PHẦN BAN GIÁM KHẢO 1. Ngài Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam
2. Ông Nguyễn Việt Thanh, Nhà báo/Nhiếp ảnh gia, Thông tấn xã Việt Nam
3. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
4. Ông Trần Lực, Đạo diễn điện ảnh
5. Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
VIII. BẢN QUYỀN Bản quyền của tất cả các tác phẩm dự thi gửi cho cuộc thi này vẫn thuộc về tác giả. Tuy nhiên, với việc tham dự cuộc thi này,các tác giả chấp thuận việc chuyển quyền sử dụng vĩnh viễn và hợp pháp các tác phẩm của mình cho Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Đại sứ quán có toàn quyền sử dụng các tác phẩm trên các ấn phẩm, website hoặc trong các hoạt động khác nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam.